Conteúdo disponível em: English Indonesia (Indonesian) Melayu (Malay) ไทย (Thai) Philipino
An toàn sinh học-Biosecurity là một khái niệm rất quen thuộc trong ngành chăn nuôi gia cầm, heo và bò sữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối phó với vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi vì đây là một yếu tố quan trọng cho việc tối ưu hóa sức khỏe, phúc lợi vật nuôi và sự bền vững của chăn nuôi trang trại.
Theo thường lệ, chúng ta nhìn vào lịch sử dịch bệnh trong quá khứ để tìm điểm đạt (hoặc chưa đạt) và tìm cách cải thiện phương thức thực hiện và chiến lược an toàn sinh học của mình. Dù rút kinh nghiệm từ quá khứ là vô cùng quan trọng, chúng ta cũng phải nghĩ đến tương lai và nghiên cứu cách thức thực hiện làm sao cho hiệu quả hơn, đạt năng suất tốt hơn và sáng tạo hơn.
AN TOÀN SINH HỌC, MỘT SỰ KẾT HỢP GIỮA LOẠI TRỪ SINH HỌC VÀ KIỂM SOÁT SINH HỌC
- Trong một bài báo nghiên cứu1 về chủ đề nguy cơ dịch bệnh trên đàn bò được đăng năm 2012, John F. Mee mô tả an toàn sinh học là một sự kết hợp giữa loại trừ sinh học và kiểm soát sinh học.
- Trong đó ông cho rằng loại trừ sinh học liên quan đến các biện pháp mang tính phòng ngừa (dạng chiến lược nhắm đến giảm thiểu nguy cơ) được thiết kế để tránh sự xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm (những nguy cơ), còn kiểm soát sinh học thì liên quan đến các biện pháp hạn chế việc lây lan của những nguy cơ truyền nhiễm đó diễn ra trong trang trại và cũng như lây sang các trang trại khác.
- Phương châm an toàn sinh học này cũng áp dụng cho ngành chăn nuôi gia cầm. Để thành công trong việc loại trừ dịch bệnh, chúng ta phải chú tâm vào các chiến lược mới để ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh truyền nhiễm (loại trừ sinh học) và giảm thiểu khả năng lây lan của mầm bệnh đó (kiểm soát sinh học).
Qua nhiều thập niên, ngành công nghiệp gia cầm toàn cầu đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý cúm gia cầm độc lực cao (viết tắt tiếng Anh – HPAI), những bệnh do vi khuẩn mycoplasma, salmonella và các bệnh gia cầm khác trong các cơ sở chăn nuôi quy mô thương mại. Vì vậy, chúng ta may mắn (một cách bất đắc dĩ) có được nhiều bài học về cách ứng phó và tiếp tục có cơ hội cải tiến phương thức loại trừ dịch bệnh và ngăn ngừa nguy cơ an toàn sinh học.
Trong bài trình bày này, chúng ta sẽ tập trung vào các biện pháp mới mẻ và chiến lược hiệu quả trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh trên đàn gia cầm và giảm thiểu sự lây lan của chúng.
- Những kinh nghiệm từ quá khứ – từ các công ty chăn nuôi gia cầm và mảng ngành chăn nuôi khác – sẽ được chia sẻ.
Và những ý tưởng hướng đến tương lai sẽ được nêu bật nhằm truyền cảm hứng cho các công ty cân nhắc các công cụ-dựa-trên-vật nuôi (animal-based tools) để phát hiện bệnh sớm và các biện pháp mới mẻ nhằm loại bỏ nguy cơ bệnh tật trang trại của họ.
Loại trừ sinh học
Như chúng ta vẫn thường nghe, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là nền tảng căn bản của loại trừ sinh học và các biện pháp ngăn ngừa sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ sở chăn nuôi gia cầm. Chúng ta cũng biết rằng vi khuẩn và vi-rút có thể dễ dàng xâm nhập thông qua con người (giày dép và quần áo), thiết bị vào chuồng gia cầm và thông qua các phương tiện vận chuyển vào trang trại. Sau đây là một số kinh nghiệm quan trọng và các sáng kiến nhằm cải tiến hiệu quả loại trừ sinh học trong các trang trại gia cầm:
Vệ sinh và khử trùng để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập:
Nhiều quản lý QA (bảo đảm chất lượng – Quality Assurance) cho rằng “pha theo liều lượng là giải pháp cho sự tạp nhiễm” khi nói về tầm quan trọng của các quy trình vệ sinh và khử trùng (VS&KT). Bảo đảm chất sát trùng được sử dụng trong quy trình VS&ST có hiệu quả đối vơi các mầm bệnh bệnh nghiêm trọng (như vi-rút cúm gia cầm) là một bước quan trọng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bài học kinh nghiệm:
- Theo quy trình thường quy liên quan đến thử nghiệm hóa học, các công ty chăn nuôi gia cầm thường dùng phòng lab (thí nghiệm) để xác định loại hóa chất nào thực sự hiệu quả chống lại (các) mầm bệnh và cũng để xác định liều lượng pha cần thiết để đưa ra hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi và nhân viên trang trại/sản xuất.
- Nếu một trang trại nằm trong một khu vực có điều kiện địa lý: thời tiết khắc nghiệt (ví dụ, nhiệt độ gây đóng băng), việc xác định khả năng sử dụng chất sát trùng và hiệu quả sử dụng trong những trường hợp thời tiết lạnh giá như thế cũng rất quan trọng.
- Dù cho chất lượng của chất sát trùng có tốt đến đâu, việc loại bỏ các vật chất hữu cơ (như phân, cỏ, lá, v.v.) là rất cần thiết và cần được thực hiện nghiêm chỉnh vì đây là một bước quan trọng trong vệ sinh chuồng trại cần được tiến hành, trước khi áp dụng chất sát trùng.
Bài học kinh nghiệm:
- Tỷ lệ pha trộn và nồng độ chất sát trọng là điều mấu chốt trong việc phòng bệnh
- Nếu cân nhắc chi phí sử dụng các chất sát trùng hóa học và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người nếu liều trộn không đúng hướng dẫn, chúng ta không nên áp dụng phương pháp pha trộn hóa chất thủ công (tiếng Anh gọi là glug-glug method) khi sử dụng một lượng không rõ của chất sát trùng.
- Thực ra, thêm một lượng không rõ của một chất sát trùng là cực kỳ bất cẩn và có thể gây nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.
- Những dải (như trong Hình 1) sẽ là một phương pháp tiện lợi và hiệu quả cho người kiểm tra, bác sĩ thú y, và quản lý sản xuất khi đến thăm trang trại có thể đánh giá liều lượng chính xác của chất sát trùng dùng trong bể nhúng ủng. Nếu liều lượng ít hơn yêu cầu thì cần thay đổi ngay để bảo đảm loại trừ sinh học hiệu quả tại trại.
Khó khăn liên quan đến nhân sự:
trong hầu hết các sự cố dịch bệnh, các cuộc điều tra tuân thủ chất lượng (quality assurance) thường cho thấy rằng yếu tố con người/nhân sự (và hành vi/hành động của họ) là một trong những yếu tố có nguy cơ cao nhất đối với an toàn sinh học tại trang trại gia cầm. Vì vậy, để tối ưu hóa các chiến lược loại trừ sinh học, các công ty phải tìm cách giảm thiểu những nguy cơ xuất phát hoặc liên quan đến con người có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập vào trang trại.
Bài học kinh nghiệm:
- Những ví dụ trước về bùng dịch bệnh do vi khuẩn Mycoplasma và cúm gia cầm độc lực cao đã cho thấy việc giải quyết và giảm các vấn đề do con người gây ra là rất quan trọng trong việc ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập.
- Ngoài các quy trình an toàn sinh học hằng ngày, những ví dụ bên dưới này cũng có thể giúp ngăn mầm bệnh xâm nhập:
- Xác minh tình trạng an toàn sinh học hằng năm (nghĩa là một người quản lý sẽ tiến hành thăm trại hằng năm để xác minh rằng nhân sự không có bất kỳ loài gia cầm nào tại nơi họ ở);
- Áp dụng chính sách “chờ” khi vô tình tiếp xúc chim (nghĩa là khi một nhân viên trại vô tình tiếp xúc với chim hoang thì họ cần chờ tối thiểu 72 tiếng trước khi đi vào trang trại gia cầm);
- và hệ thống ra vào kiểu Đan Mạch để thay ủng (nghĩa là quá trình đi vào trang trại qua 3 vùng để tránh các ủng dơ (sử dụng ngoài chuồng trại) gây tạp nhiễm lên ủng sạch (sử dụng trong chuồng trại)).
Suy nghĩ bên ngoài chuồng trại:
Các công cụ và quy trình đã được thiết kế, phát triển và áp dụng cho các loài vật khác cũng có thể hữu ích cho ngành chăn nuôi gia cầm. Khi đánh giá các công cụ mới để loại trừ sinh học, chúng ta nên suy nghĩ vượt ra ngoài ‘chuồng trại’ và tham khảo những gì các bác sĩ thú y của chăn nuôi heo, chăm sóc thú trong sở thú và chuyên gia về thú hoang dã, và những người khác đã và đang thử nghiệm trong việc ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập.
Hình 2. Tổng quan về mô hình di cư quần thử : chú ý theo dõi sự di chuyển của chim hoang dã sẽ hữu ích trong việc bảo vệ đàn gia cầm.
Sáng tạo trong suy nghĩ:
- Đối với các phương thức loại trừ sinh học liên quan đến cúm gia cầm độc lực cao – HPAI, chúng ta phải ưu tiên những giải pháp có thể giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh từ chim hoang dã.
- Các công cụ mới như BirdCast² giúp người chăn nuôi ở Hoa Kỳ tập trung theo dõi và giám sát các mô hình di cư và thời điểm gia tăng số lượng quần thể chim hoang dã sẽ bay qua các trang trại gia cầm của họ (Hình 2).
- Mặc dù người chăn nuôi không thể ngăn chặn đàn chim di cư bay qua trang trại cũng như ngăn việc chúng dừng và đậu lại trên các cánh đồng gần trang trại, BirdCast – một công cụ có thể sử dụng online và miễn phí này có thể dùng làm như một chỉ dẫn cảnh báo khi có gia tăng nguy cơ dịch bệnh và giúp người chăn nuôi bổ sung thêm các biện pháp an toàn sinh học trong suốt thời gian mà công cụ này dự báo có sự gia tăng di trú của quần thể chim hoang dã.
Trong đợt bùng phát bệnh PRRS (Hội chứng heo tai xanh) trong đàn heo qua nhiều năm trước đây, các bác sĩ thú y về heo đã phát hiện ra tăng nhiệt độ và thời gian là những biện pháp chính yếu để vô hiệu các mầm bệnh trên các phương tiện vận chuyển dùng để đem heo từ trang trại này sang trang trại khác.
- Khi cân nhắc về giá trị và tính bền vững lâu dài của gây giống gia cầm, các công ty có thể áp dụng các biện pháp tiên tiến như “nướng xe kéo-heat baking of trailers” (vô hiệu hóa vi-rú bằng nhiệt độ và thời gian được lập trình cụ thể) vào các quy trình VS&ST của họ để cải thiện hiệu quả loại trừ sinh học các mầm bệnh trên thiết bị sử dụng cho nhiều trang trại.
Kiểm soát sinh học
Các trang trại gia cầm hiện đại thường có nhiều chuồng trại nuôi một lượng lớn gia cầm.
- Như vậy, khi một dịch bệnh xảy ra trong trang trại, kiểm soát sinh học là ưu tiên hàng đầu và cấp bách để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Trong trường hợp cúm gia cầm độc lực cao khi mà tất cả gia cầm tại nơi bị nhiễm bệnh sẽ bị đem đi tiêu hủy, mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn sự lây lan của vi-rút sang những nơi sản xuất khác trong khu vực và ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang các trang trại khác trong hệ thống. Trong trường hợp salmonella và mycoplasma, mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang các chuồng trại khác trong trang trại.
Cả hai tình huống này đều có những kinh nghiệm về an toàn sinh học cần được rút ra và các công nghệ mới cần được cân nhắc áp dụng nhằm thực hiện được một chiến lược theo hướng chủ động và phản ứng kịp thời trong việc hạn chế sự lây lan của mầm bệnh
Bài học kinh nghiệm:
- Các quy trình đơn giản có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong những ngày đầu điều tra dịch bệnh tại một trang trại.
- Việc truy vết nhân sự trong trang trại là một phương pháp thuận tiện để xác minh sự di chuyển của con người tại một địa điểm và trong một khu vực cụ thể. Ví dụ, trong một trang trại lớn, việc có các tờ đăng ký tại cửa ra vào của mỗi chuồng trại sẽ giúp người quản lý và người kiểm tra bảo đảm chất lượng có thể nhanh chóng xác định được ai đã ở trong chuồng trại trong tuần trước, những nơi mà những cá nhân này đã ở trước đó và khi nào/tại sao họ ở trong chuồng trại đó.
- Việc có một cuốn sổ đăng ký vào/ra tại cơ sở làm lối vào của trang trại được ghi chép các thông tin chi tiết bắt buộc (tên, ngày đến thăm, địa điểm cuối cùng và ngày tiếp xúc với gia cầm, cơ sở/chuồng trại đã đến thăm tại đó, v.v.) cũng rất hữu ích trong một chiến lược mang tính phản ứng và giúp công ty xác định hiệu quả hơn những địa điểm trang trại nào đó có nguy cơ lây lan bệnh do sự di chuyển của con người.
Bài học kinh nghiệm:
- Ở những trang trại lớn, kiểm soát sinh học – biocontainment có thể được áp dụng như một chiến lược mang tính phòng ngừa.
- Trong khi nhân viên trang trại và người chăn nuôi gia cầm thường xuyên đến thăm các đàn nuôi theo thứ tự “từ nhỏ tuổi nhất đến già nhất”, họ nên bổ sung thêm một bước trong kế hoạch thăm trại là: áp dụng các điểm chặn giữa các chuồng trại hoặc trang trại.
- Ví dụ, nếu các chuồng trại được tập hợp thành nhóm trong vùng an toàn sinh học (như Chuồng 1, 2 và 3), một trang trại lớn có thể áp dụng một điểm chặn an toàn sinh học (để thay quần áo, tắm rửa, v.v.) trước khi di chuyển đến vùng an toàn sinh học tiếp theo (như Chuồng 4, 5 và 6).
- Mặc dù việc thiết lập vùng này sẽ tốn thêm thời gian và cần kế hoạch chuẩn bị, nhưng đây có lẽ là một cách hiệu quả và chủ động để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nơi này sang nơi khác trong trang trại.
- Một quy trình khác cần được dùng trong thời điểm dịch bệnh gia tăng là hạn chế số lượng trang trại được nhân viên kỹ thuật của công ty đến thăm mỗi ngày (chỉ được phép đến thăm 2 trang trại mỗi ngày thay vì 4 trang trại trở lên) và hạn chế việc đi thăm các khu vực được cho là có nguy cơ cao.
- Ví dụ, khi xảy ra dịch cúm gia cầm độc lực cao ở một khu vực, tất cả các chuyến thăm trang trại không cần thiết nên bị cấm để bảo đảm kiểm soát sinh học và từ đó giảm nguy cơ lây lan bệnh sang các trang trại khác.
Sáng tạo trong suy nghĩ:
- Hướng đến tương lai, chúng ta cần chú ý vào động vật để cải tiến quy trình kiểm soát sinh học của mình.
- Hiện nay chúng ta sẽ nghi ngờ đàn gia cầm có khả năng mắc bệnh khi quan sát chúng qua nhiều ngày cho sản lượng trứng giảm, tỷ lệ tử vong tăng hoặc lượng nước tiêu thụ giảm.
- Trong tương lai, nếu chúng ta liên tục theo dõi hành vi và sự di chuyển của gia cầm (các hoạt động của đàn) bằng cảm biến video và âm thanh phát ra từ vật nuôi (ho, tiếng kêu, v.v.) bằng cảm biến âm thanh, chúng ta có thể phát hiện sớm những bất thường nhỏ và khó phát hiện trong đàn trước khi những bất thường đó biểu hiện thành sự suy giảm năng suất và đàn gia cầm có nguy cơ bị bệnh.
- Mặc dù các thiết bị giám sát này không giống với chuẩn đoán bệnh thực sự (tức là các thiết bị đó sẽ không cho chúng ta biết bệnh nào đang hiện diện trong đàn), nhưng chúng có thể đóng vai trò như những chỉ dẫn/cảnh báo ngầm để giúp người chăn nuôi hoặc bác sĩ thú y nhanh chóng tìm hiểu các dấu hiệu đáng nghi về khả năng dịch bệnh trong đàn vật nuôi (Hình 3).
- Đối với các loài vật nuôi lớn, các loại cảm biến như thẻ tai điện tử (ear tag) hoặc loại cảm biến có thể nuốt được (cảm biến dạ cỏ) có thể đo và cung cấp các thông tin chi tiết dựa trên từng cá thể vật nuôi để chỉ ra liệu con vật có bị sốt, đi lại ít hơn mỗi ngày, v.v.
- Đối với gia cầm, các cảm biến thường hướng theo từng đàn (hoặc chuồng) thay vì từng con.
Trong cả hai trường hợp trên, các công cụ mới mẻ này có thể cung cấp nhiều thông tin quý báu cho người chăn nuôi và giúp họ phản ứng chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe vật nuôi.
- Trong bối cảnh công nghệ giám sát đàn gia cầm vẫn còn đang được phát triển, chúng tôi có thể mong chờ đến một tương lai tốt đẹp khi việc giám sát sức khỏe vật nuôi sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm dịch bệnh hơn và kiểm soát sinh học tốt hơn.
TÓM TẮT
- Khi chúng ta cân nhắc tổn thất của dịch bệnh (tức là tổn thất năng suất, chi phí cho vệ sinh và khử trùng, tổn thất số lượng vật nuôi, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, v.v.), thì quyết định đầu tư vào an toàn sinh học nên là một quyết định dễ chịu và đáng giá hơn cả.
- Mặc dù có thể rút kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ và trước đây trong ngành gia cầm toàn cầu, chúng ta cũng phải chú trọng công nghệ tương lai và những ý tưởng sáng tạo và cần cân nhắc những gì đã và đang được áp dụng trong các mảng chăn nuôi loài khác để thực sự đạt được những bước tiến bộ đáng kể trong việc loại trừ dịch bệnh.
Tham khảo
1Mee JF, Geraghty T, O’Neill R, More SJ. Bioexclusion of diseases fromdairy and beef farms: risks of introducing infectious agents and risk reduction strategies. Vet J. 2012 Nov;194(2):143-50. doi: 10.1016/j. tvjl.2012.07.001. Epub 2012 Oct 26. PMID: 23103219; PMCID: PMC7110757.
2BirdCast: https://birdcast.info/
3Những yêu cầu về thời gian và nhiệt độ để vô hiệu hóa mầm bệnh đã được áp dụng trên các phương tiện vận chuyển heo. (AASV, 2021: https://www.aasv.org/shap/issues /v29n1/v29n1p19.html)