Nội dung có ở: English
Gần đây, thông tin hàng chục ngàn tấn dầu ăn dùng trong chăn nuôi bị “phù phép” thành dầu ăn chế biến thực phẩm cho con người, đưa vào các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và cơ sở sản xuất thực phẩm đã khiến dư luận bàng hoàng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng cảnh báo đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm, có thể gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
Dầu ăn trong chăn nuôi là gì?
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Hoàng Bích Uyên (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, TP.HCM), dầu ăn trong chăn nuôi là loại dầu thực vật thô, chưa qua tinh luyện, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là loại dầu có thể chứa tạp chất, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc chất oxy hóa độc hại do quá trình bảo quản không đúng cách.
Loại dầu này được sử dụng trong thức ăn cho vật nuôi, nhằm mục đích bổ sung năng lượng, không phải để tiêu thụ cho người. Khác với người, hệ tiêu hóa và khả năng loại bỏ độc tố của vật nuôi mạnh hơn nhiều. Vì thế, việc sử dụng dầu ăn trong chăn nuôi cho con người là cực kỳ nguy hiểm.
Dầu ăn chăn nuôi có thể chứa tạp chất, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc chất oxy hóa độc hại. Ảnh: Vietnam.vn.
Tác hại khi con người sử dụng dầu ăn trong chăn nuôi
Việc sử dụng dầu ăn không đạt chuẩn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
- Nguy cơ nhiễm độc mãn tính: Các chất ô nhiễm như aflatoxin (chất sinh ung thư do nấm mốc) hoặc kim loại nặng có thể tích tụ trong cơ thể nếu sử dụng lâu dài.
- Gây rối loạn tiêu hóa: Do dầu chưa tinh chế chứa nhiều tạp chất, dễ gây kích ứng niêm mạc ruột và gan.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Một số loại axit béo không bão hòa dạng trans có thể gây xơ vữa động mạch, tăng cholesterol xấu (LDL).
- Nguy cơ ung thư: Khi dầu ăn bị oxy hóa hoặc có chứa các hợp chất độc hại, nguy cơ gây đột biến tế bào và ung thư tăng lên rõ rệt.
Vì sao dầu ăn trong chăn nuôi lại bị tuồn vào thực phẩm?
Do chi phí rẻ hơn rất nhiều so với dầu ăn đạt chuẩn, nhiều đơn vị vì lợi nhuận đã trộn lẫn hoặc thay thế hoàn toàn dầu ăn trong chăn nuôi vào quy trình chế biến thực phẩm. Những nơi dễ bị tác động nhất là bếp ăn công nghiệp, nhà hàng bình dân, suất ăn sẵn trong khu công nghiệp, nơi lượng dầu tiêu thụ lớn và khó kiểm soát nguồn gốc.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
- Các cơ sở chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể cần yêu cầu đầy đủ hồ sơ công bố, chứng nhận an toàn của nguyên liệu thay vì chỉ dựa vào nhãn mác.
- Người tiêu dùng nên chọn mua dầu ăn từ thương hiệu uy tín, có kiểm định rõ ràng, tránh ham rẻ mà mua hàng trôi nổi, không nguồn gốc.
- Nhà chức trách cần tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị cung cấp thực phẩm, đặc biệt là trong các hệ thống bếp ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện.
Dầu ăn trong chăn nuôi không phải là thực phẩm dành cho người, và việc sử dụng sai mục đích có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, còn doanh nghiệp thực phẩm cần có đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ nghiêm túc quy định an toàn.