Tổng Cục Hải Quan Thông Tin về Ưu Đãi Thuế cho Khô Dầu Đậu Tương
Tổng Cục Hải Quan Việt Nam đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi để bảo đảm việc áp dụng chung mức thuế suất 1% trên tất cả dạng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Available in other languages:Tổng Cục Hải Quan Việt Nam đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi để bảo đảm việc áp dụng chung mức thuế suất 1% trên tất cả dạng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Như bài viết trước đã đề cập, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 144/2024/NĐ-CP để bổ sung cho Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, Chính phủ hạ thuế suất từ 2% xuống 1% của thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương (còn gọi là bã đậu nành, tên tiếng Anh - soybean meal) dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên thì gần đây, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và 15 doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi đã có những văn bản đề lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN-PTNT) và Bộ Tài chính (BTC) về việc họ không thể tiếp cận được chính sách giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng khô dầu đậu tương này.
Cụ thể, từ khi nghị định 144/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16.12.2024 đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được chính sách giảm thuế suất ưu đãi 1% cho mặt hàng khô dầu đậu tương có mã số hàng hóa 23040090. Nhưng từ đầu tháng 12 năm 2024, các chi cục hải quan TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu áp mã số hàng hóa đối với mặt hàng này là 23040029 với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 2%.
Có một thực tế là trước tháng 12 năm 2024, kể cả thời gian sau khi Thông tư 31/2022/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có hiệu lực thì các doanh nghiệp luôn khai báo mặt hàng khô dầu đậu tương nhập khẩu dùng làm thức ăn chăn nuôi với mã số hàng hóa 23040090 trên hệ thống VNACC/VCIS của Tổng cục Hải quan và hệ thống đăng ký kiểm tra chuyên ngành của Cục Bảo vệ thực vật (thuộc BNN-PTNT). Các doanh nghiệp liên quan cho rằng sự khác biệt, thiếu thống nhất về mã số hàng hóa sẽ tăng thời gian thông quan hàng hóa, thêm chi phí và ảnh hưởng đến nhận định của doanh nghiệp đối với chủ trương, chính sách và khách quan của cơ quan quản lý.
Để trả lời vấn đề trên, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) cho biết mặt hàng khô dầu đậu tương có nhiều dạng khác nhau và theo Nghị định 144 thì:
- Mã số hàng hóa 23040090 là dành cho loại khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc ở dạng bột mịn, dạng viên, dạng thanh, dạng khối. Và thuế suất 1% được áp dụng cho mã số hàng hóa này và trên những dạng đã đề cập trước đó.
- Mã số hàng hóa 23040029 là trên dạng bột thô và đang được áp dụng thuế suất 2%. Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu dạng bột thô thì sẽ chưa được hưởng thuế suất 1% và "các cơ quan hải quan địa phương cơ bản làm đúng theo quy định".
Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp liên quan tới mặt hàng khô dầu đậu tương nhập khẩu dạng thô (có mã số 23040029) thì Tổng cục Hải quan đã đề nghị qua công văn sang Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (thuộc BTC) nhằm xem xét điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng khô dầu đậu tương thuộc mã số 23040029 từ 2% xuống 1%, bằng với thuế suất của mặt hàng khô dầu đậu tương thuộc nhóm 23040090.
Nguồn: channuoivietnam.com và thanhnien.vn