
14 Jul 2025
Thú y Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị nông nghiệp
Ngành thú y Việt Nam đóng vai trò trụ cột trong hệ thống an toàn sinh học quốc gia, đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh trên gia cầm.
Nội dung có ở:
English
Ngành thú y Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an toàn sinh học quốc gia và chuỗi giá trị nông nghiệp, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia cầm. Việc kiểm soát hiệu quả dịch cúm gia cầm và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi chính là minh chứng cho sự trưởng thành, chuyên nghiệp và hội nhập sâu rộng của ngành.
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950 – 11/7/2025), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến ghi nhận: 75 năm qua, ngành thú y đã gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Sự chủ động và hiệu quả trong phòng chống các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh… không chỉ giúp ổn định đàn vật nuôi mà còn củng cố niềm tin của người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Bích Hồng/BNews/Vnanet.
Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, củng cố niềm tin thị trường
Với vai trò là “tấm lá chắn” bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, ngành thú y đã triển khai hàng loạt chương trình giám sát, kiểm soát dịch bệnh quy mô lớn.
Trong đó, công tác kiểm soát cúm gia cầm- căn bệnh có nguy cơ lây lan cao và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đã được ngành triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xuyên biên giới.
Không chỉ tập trung phòng bệnh, ngành thú y còn đảm nhiệm vai trò kiểm soát chất lượng toàn diện đối với sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm- lĩnh vực có sản lượng lớn và giá trị xuất khẩu cao.
Việc giám sát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ, cùng với việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO, GMP và OIE đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để tiếp tục phát triển, ngành thú y cần đổi mới toàn diện, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm, gia súc và thủy sản; đồng thời tăng cường chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, xét nghiệm và truy xuất nguồn gốc.
Đây là những yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh và vị thế trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Xuất khẩu sản phẩm gia cầm: Cơ hội lớn, yêu cầu cao
Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi:
- Xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản – thị trường có yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
- Xây dựng hơn 3.780 chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với hàng chục triệu gia cầm.
- Thiết lập nền tảng vững chắc cho mục tiêu xuất khẩu dài hạn.
Theo ông Dương Tất Thắng- Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, ngành thú y còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua kiểm soát dịch bệnh truyền từ động vật sang người như cúm gia cầm, dại, liên cầu khuẩn, nhiệt thán, lao bò…
Đặc biệt, công nghệ thông tin đang được áp dụng mạnh mẽ trong thủ tục kiểm dịch, góp phần rút ngắn quy trình, minh bạch hóa và tăng hiệu quả quản lý.
Thành tựu nổi bật:
- 440 cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y.
- 12 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP-WHO, sản xuất 218 loại vắc xin cho gia súc, gia cầm.
- Gần 8 triệu liều vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi đã được sản xuất thành công- minh chứng cho năng lực tự chủ công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Hương- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Thú y Việt Nam nhận định, trong thời đại hội nhập và chuyển đổi số, ngành thú y cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, quản lý và doanh nghiệp.
Sự phát triển của ngành không chỉ nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.